Khu kinh tế Nghi Sơn đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trọng tâm là đầu tư công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản.
Sau gần 5 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế
(KKT) Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KCN) đã có bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vai trò trong sự phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. KKT Nghi Sơn đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trọng tâm là đầu tư công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản. Nghi Sơn đang phát triển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Huy Hùng, Phó Ban Quản lý KKT Nghi Sơn cho biết: Thời gian qua, KKT Nghi Sơn đã thu hút được một số dự án lớn, quan trọng như: dự án Liên hiệp Lọc hóa dầu, Cảng nước sâu Nghi Sơn, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn, dự án nhà máy xi măng Công Thanh, dự án đầu tư hạ tầng KCN và Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, dự án sản xuất giày xuất khẩu, chế biến thuỷ hải sản...
Đến nay đã có 41 dự án đầu tư vào KKT. Trong đó 35 dự án trong nước, vốn đăng ký là 49.943,54 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD) và 6 dự án nước ngoài, với số vốn đăng ký là 6,8 tỷ USD. Một số dự án đã đi vào hoạt động như: Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Nhà máy xi măng Công Thanh, Nhà máy bia, Nhà máy ống cốt sợi thuỷ tinh, chế biến hải sản... giai đoạn 2007-2010 doanh thu đạt 11.559 tỷ đồng; xuất khẩu đạt trên 240 tỷ đồng; nhập khẩu đạt 15.314,9 USD; nộp ngân sách nhà nước 791,53 tỷ đồng; thu hút 2.145 lao động.
Miền đất Tĩnh Gia – Quảng Xương trước đây khó khăn, giờ đang vươn mình lớn mạnh bằng các công trình, dự án. Nhà máy xi măng Nghi Sơn đi vào hoạt động với sự kiện đốt lò dây chuyền số 2 (đưa công suất 2 dây chuyền lên 4,3 triệu tấn xi măng/năm, trở thành nhà máy xi măng có công suất lớn nhất miền Bắc và miền Trung). Ngày 19/7, tàu Development của công ty đã cập cầu cảng Trạm phân phối xi măng Ninh Thủy (Nha Trang) an toàn và dỡ thành công hơn 3.000 tấn xi măng. Như vậy, đây là lần đầu tiên xi măng rời được vận chuyển bằng tàu chuyên dụng tới khu vực miền Trung, đánh dấu thành công mới trong con đường đưa xi măng Nghi Sơn đến với khách hàng.
Khi các dự án công nghiệp trọng điểm như Lọc hóa dầu, Nhiệt điện chưa đi vào hoạt động thì xi măng Nghi Sơn là một trong những đầu tàu kéo tăng trưởng công nghiệp của Thanh Hóa. Nhà máy xi măng Nghi Sơn chiếm gần 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tiếp theo đó là sự kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 công suất lắp đặt 600 MW, tổng mức đầu tư trên 22,2 nghìn tỷ đồng. Nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại tổ máy 1 vào quý IV/2013 và tổ máy 2 vào quý II/2014, góp phần bảo đảm điện cho khu vực Bắc Trung bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Thanh Hóa và Bắc Nghệ An, đặc biệt là KKT Nghi Sơn.
Đứng trên nền Dự án Lọc hóa dầu (DALHD) Nghi Sơn, anh Lê Xuân Hoàn, chuyên viên phòng xúc tiến đầu tư - Ban quản lý dự án Khu kinh tế (BQLKKT) Nghi Sơn cho biết: “Bằng sự nỗ lực của toàn thể cán bộ BQL, các nhà thầu cùng lực lượng hàng 1.000 nhân công với hơn 500 xe, máy thi công ngày đêm, đến nay tiến độ thực hiện san lấp mặt bằng cơ bản đã bảo đảm theo kế hoạch. Những hạng mục chính của mặt bằng nhà máy đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng để bàn giao cho các công ty. Nhiệm vụ trọng tâm mà BQL tiến hành vào thời điểm này trên mặt bằng là thi công mương hở, ta luy, đào hạ nền phần núi Cốc và đắp lớp mặt của mặt bằng”.

Bản đồ quy hoạch định hướng phát triển không gian KKT nghi Sơn đến năm 2025
DALHD Nghi Sơn có công suất 10 triệu tấn/năm, không chỉ tạo ra bước đột phá về phát triển công nghiệp mà còn tạo đà bứt phá phát triển kinh tế - xã hội cho Thanh Hóa trong tương lai gần. Khi đi vào hoạt động từ năm 2014, các DALHD, nhiệt điện Nghi Sơn sẽ đưa tỷ trọng công nghiệp trong GDP của tỉnh tăng từ khoảng 40% hiện nay lên 51% vào năm 2020; đóng góp tới 50% sản lượng công nghiệp địa phương và 30% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Trên đường trở thành biểu tượng của Thanh Hóa trong giai đoạn hội nhập và phát triển, thời gian tới KKT Nghi Sơn sẽ đón hàng chục dự án khác đã được thỏa thuận địa điểm hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ để xin cấp phép đầu tư, với tổng mức vốn dự kiến đăng ký đầu tư khoảng trên 2 tỷ USD. Cảng biển nước sâu Nghi Sơn đang được xây dựng trở thành một cảng tổng hợp quốc tế, mở ra cơ hội đưa Thanh Hóa trở thành một địa phương phát triển mạnh kinh tế đối ngoại và kinh tế biển.
KKT Nghi Sơn phát triển theo hướng khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản: công nghiệp lọc - hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sản xuất và lắp ráp ôtô, sửa chữa và đóng mới tàu biển... gắn với xây dựng, khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn; vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt. Đây là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực bắc miền Trung.
Ðặc biệt, mới đây Chính phủ đã đồng ý cho Thanh Hóa ứng trước 350 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng trong KKT, chi trả bồi thường đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án. Tiềm năng, thời cơ, vận hội đã hội tụ, Thanh Hóa chỉ còn nguồn sức mạnh tổng lực của trí tuệ, niềm tin, quyết tâm để bứt phá./.
Nguồn: thanhhoa.gov