Với việc nhu cầu tiêu dùng sữa ngày càng tăng cao, ngành chăn nuôi bò sữa mang lại nguồn thu nhập khá, nên từ năm 2002, tỉnh ta đã phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa. Theo đó, tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa các mục tiêu được phê duyệt.
Công ty TNHH một thành viên (MTV) Sữa Lam Sơn được thành lập sau khi Công ty CP Sữa Việt Nam mua lại cổ phần của Nhà máy Sữa Lam Sơn trước đây. Đi vào hoạt động, Công ty TNHH MTV Sữa Lam Sơn không ngừng đầu tư nâng cấp, mở rộng sản xuất, đặc biệt là phát triển đàn bò sữa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của ngành sữa của tỉnh, trong nước.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công ty đã chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư máy móc thiết bị, nâng công suất của nhà máy lên gấp 3, đồng thời đào tạo lại đội ngũ cán bộ, người lao động phù hợp với đòi hỏi của tình hình mới. Hiện tại, nhà máy sữa của Công ty TNHH MTV Sữa Lam Sơn đang sản xuất các sản phẩm sữa nước của Vinamilk với công suất 22 triệu lít mỗi năm, cung cấp cho thị trường chính tại các tỉnh, thành phố: TP Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Đà Nẵng. Nhằm mở rộng quy mô sản xuất, công ty đang tiếp tục đầu tư nhà máy sữa mới với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 275 tỷ đồng, công suất chế biến là 30 triệu hũ sữa chua/năm, 90 triệu lít sữa tươi/năm; công suất đóng gói 60 triệu lít sữa tươi và 156 triệu hũ sữa chua/năm. Hiện, nhà máy đang được hoàn thiện và dự kiến sẽ hoàn thành, chính thức đi vào hoạt động vào ngày 30-4-2013.
Cùng với việc đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến sữa, Công ty TNHH MTV Sữa Lam Sơn luôn quan tâm phát triển nguồn nguyên liệu. Hiện trang trại bò sữa Sao Vàng (nay là trang trại bò sữa Thanh Hóa 1) của công ty đã được cải tạo, nâng cấp và đầu tư có chiều sâu, cộng với việc áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến của các nước I-xra-en, Hoa Kỳ trong khâu chăm sóc, nên chỉ sau 3 năm, đàn bò sữa trong tỉnh đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Đến thời điểm này, đàn bò sữa tại trang trại bò sữa Thanh Hóa 1 đã có 1.300 con, tăng 232% so với năm 2008, sản lượng sữa đạt 13.000 lít/ngày, năng suất sữa bình quân đạt gần 22 lít/con bò sữa/ngày.
Tuy nhiên, trên địa bàn Thanh Hóa, lượng sữa tươi nguyên liệu mà đàn bò hiện có mới chỉ cung cấp được khoảng 10.000kg/ngày (1 lít sữa bằng 1,03 kg), đáp ứng chưa được 10% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu của Nhà máy Sữa Lam Sơn. Nhu cầu sữa tươi nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Sữa Lam Sơn khoảng 200.000kg/ngày. Để có thể cung cấp đủ số lượng này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải có đàn bò gần 20.000 con, trong đó 9.000-10.000 con cho sữa hàng ngày. Trước thực trạng đó, Công ty TNHH MTV Sữa Lam Sơn đang tiếp tục xây dựng đề án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012 – 2020. Theo đó đến năm 2020, tỉnh ta sẽ có tổng đàn bò sữa thuần là 20.000 con, cung cấp 250.000 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày cho Nhà máy Sữa Lam Sơn; đồng thời, xây dựng các trang trại tập trung quy mô lớn, quy mô mỗi trang trại từ 500 con bò sữa trở lên. Đây là những trang trại được đầu tư xây dựng hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững. Các trang trại này vừa là nơi ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào chăn nuôi bò sữa, từ đó sẽ đưa kỹ thuật chăn nuôi bò sữa nhân rộng cho nhân dân, cung cấp nguồn sữa tươi nguyên liệu đạt chất lượng cao cho nhà máy chế biến; mặt khác là nơi cung cấp bò sữa giống có chất lượng tốt, phục vụ cho mục tiêu nhân đàn nhanh ra phạm vi toàn tỉnh.
Việc thực hiện thành công đề án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012 – 2020 gắn với việc chế biến sữa của Công ty TNHH MTV Sữa Lam Sơn sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, tạo ra ngành nghề mới và tăng thu nhập cho người nông dân, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Theo baothanhhoa