Với khát vọng đổi mới, hội nhập, Thanh Hóa đang tích cực kết nối bè bạn bốn phương về cùng xây đắp quê hương. Những nhà máy, dự án ngày càng lớn; những vùng mía, cao su bạt ngàn; sân bay, bến cảng, những con đường
... đang vươn mình lớn dậy...
Những bước nhảy dài...
Thanh Hóa - mảnh đất có nhiều tiềm năng, lợi thế, từng cháy bỏng trong mong muốn của Bác lúc sinh thời “Thanh Hóa dân đông, đất rộng, rừng vàng, biển bạc, đủ điều kiện để trở thành một tỉnh giàu đẹp và kiểu mẫu”. Đặc biệt, Thanh Hóa là một trong rất ít tỉnh của cả nước có đủ các vùng sinh thái, đó là trung du miền núi, đồng bằng và ven biển; có nguồn tài nguyên rừng, biển, đất đai, khoáng sản đa dạng và phong phú, thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp, nhất là công nghiệp xi-măng, vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và các ngành công nghiệp gắn với cảng nước sâu. Tỉnh đã có nhiều chính sách thiết thực, ưu đãi để đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài xây dựng nền kinh tế phát triển, năng động, hiệu quả và bền vững.
Phát huy tiềm năng, trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của Thanh Hóa đều đạt mức tăng trưởng cao và ổn định (trên 10%/năm), năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,3%, gấp 2 lần so với cả nước; GDP bình quân đạt 1.065 USD; cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 21,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 43,6%; dịch vụ chiếm 34,8%; huy động vốn đầu tư phát triển đạt 2,3 tỷ USD, gấp 2,6 lần so với trung bình các tỉnh; tốc độ phát triển doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh hàng năm đạt từ 20 - 30%; nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thanh Hóa gần 14 tỷ USD, đưa Thanh Hóa vào top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Ngoài ra, Thanh Hóa có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, sự ra đời của Nghị quyết số 02–NQ/T.U về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015 đã tạo nên cú hích quan trọng, làm chuyển biến căn bản nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân trong cải thiện môi trường, thu hút đầu tư. Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn, Chính phủ thắt chặt đầu tư công, song trong năm 2012, tỉnh Thanh Hóa vẫn huy động vốn đầu tư phát triển đạt 40.725 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Do làm tốt công tác vận động, xúc tiến đầu tư nên nhiều chương trình, dự án lớn đã được nhà tài trợ chấp thuận và ký kết hiệp định, như: Dự án Phát triển hệ thống kênh tưới bắc sông Chu - nam sông Mã với tổng vốn đầu tư 2.998 tỷ đồng, trong đó ADB cam kết cho vay 110 triệu USD; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng vùng duyên hải huyện Nga Sơn với tổng mức đầu tư 238,9 tỷ đồng, trong đó vay vốn Quỹ OFID 10 triệu USD; Dự án Phục hồi và Quản lý bền vững rừng phòng hộ vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản (JICA) có tổng mức đầu tư 237,9 tỷ đồng, trong đó JICA cam kết cho vay 9,5 triệu USD... các dự án đầu tư đã góp phần quan trọng làm cho kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng có bước phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với tỉnh và cũng là kết quả sự nỗ lực của tỉnh trong việc từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tăng cường kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội; tích cực cải cách hành chính để xây dựng một nền tảng cho phát triển và một môi trường đầu tư thực sự thuận lợi.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện đáng kể, nhiều dự án trọng điểm được triển khai xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng, như: bến số 1, số 2, số 3 Cảng Nghi Sơn, các tuyến đường phía Tây, đường tránh TP Thanh Hóa, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Bỉm Sơn đến TP Thanh Hóa và đang tiếp tục triển khai các đoạn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, Thanh Hóa đã chú trọng tới việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp. Đến nay, Thanh Hóa đã quy hoạch và hình thành 8 KCN tập trung, hiện tại đã có 1 khu kinh tế (KKT) và 4 KCN được Chính phủ cho phép thành lập, đã và đang đi vào hoạt động là: KKT Nghi Sơn, KCN Bỉm Sơn, KCN Lễ Môn, KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga và KCN Lam Sơn. Ngoài ra, các cụm công nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp tại các huyện, thị cũng được quan tâm đầu tư, xây dựng, tạo ra những thay đổi quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, Nghi Sơn được xác định là một KKT trọng điểm tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, như: Công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến xuất khẩu... Hiện nay, với những dự án lớn đã và đang trở thành hiện thực như Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (khoảng 9 tỷ USD) làm cho KKT Nghi Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nghiên cứu quy hoạch KCN Lam Sơn - Sao Vàng, diện tích khoảng 2.000 ha với định hướng thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy lợi thế của Cảng hàng không Thọ Xuân.
Thanh Hóa hội tụ các điều kiện tiềm năng về tự nhiên, địa hình, văn hóa và con người, bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa mang tính đặc trưng của Việt Nam, là điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh có các tuyến giao thông đa dạng, phong phú, gồm tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, hệ thống quốc lộ và tỉnh lộ, hệ thống đường thủy nội địa, cảng biển quốc tế, có cửa khẩu Quốc tế Na Mèo... Với việc khánh thành Cảng hàng không Thọ Xuân và khai trương đường bay Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh trong tháng 1-2013, Thanh Hóa có đủ các loại hình giao thông vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương với các tỉnh trong cả nước và quốc tế.
Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, trên địa bàn tỉnh còn giữ được nhiều di tích có giá trị như di chỉ văn hóa núi Đọ từ thời đồ đá cũ; đền Bà Triệu; Khu Di tích Lam Kinh; có bờ biển dài 102 km, vùng lãnh hải rộng 17.000 km2 , cùng với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và độc đáo như bãi biển Sầm Sơn, Vườn Quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương... và Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới... là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử mang đậm bản sắc dân tộc.
Thanh Hóa có nguồn lao động trẻ, dồi dào với trên 2 triệu lao động, trình độ văn hóa tương đối khá. Đó vừa là lợi thế cho phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, đồng thời là tiềm năng để phát triển các ngành có trình độ kỹ thuật cao.
Thanh Hóa cũng là tỉnh tích cực ban hành các cơ chế khuyến khích và thu hút đầu tư trong và ngoài nước, theo đó, nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định. Đồng thời có những chính sách nhằm hỗ trợ đầu tư cho phát triển các KCN, đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu đến chân hàng rào dự án như: đường giao thông, cấp điện, cấp nước; ban hành chính sách khuyến khích phát triển xuất khẩu, tiểu - thủ công nghiệp, du lịch; ban hành và công khai các quy định cải cách thủ tục hành chính. Ngoài ra, tỉnh luôn đồng hành với các nhà đầu tư trong việc chuẩn bị thực hiện dự án, cũng như trong quá trình đi vào sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Có thể nói, Thanh Hóa là một địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người mến khách, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và thực sự cầu thị. Mong muốn lớn nhất của tỉnh là kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh đã và đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trên các lĩnh vực, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế thế giới, tập trung huy động mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; giảm chi phí gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm an ninh, an toàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đặc biệt chú trọng thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư của cộng đồng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, coi đây là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn: baothanhhoa