Tạo đột phá trong thu hút đầu tư - đó là sự mong đợi của Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung khai mạc ngày 21/3 tại thành phố Đà Nẵng. Hội nghị nhằm quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư
của vùng duyên hải miền Trung; kêu gọi, lựa chọn, thu hút các dự án đầu tư phù hợp với lợi thế phát triển của toàn vùng nói chung, từng địa phương trong vùng nói riêng.
Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung diễn ra trong hai ngày 21 và 22/3 với nhiều phiên thảo luận, tọa đàm về các vấn đề: Phát triển du lịch; phát triển công nghiệp vùng duyên hải miền Trung...
Sức thu hút lớn
Tham gia hội nghị gồm đại diện lãnh đạo của 9 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngoài ra còn có sự tham gia của trên 500 đại biểu, khách mời trong và ngoài nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, 5 tỉnh Tây Nguyên, các cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia...
Đặc biệt, Hội nghị có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn và doanh nghiệp nước ngoài như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM), Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EUROCHAM), Hiệp hội Thương mại Australia tại Việt Nam (AUSCHAM), Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA), Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), Tổ chức định cư Liên hợp quốc (UN- Habitat)... và Đại sứ của nhiều quốc gia.
Tại phiên khai mạc, Hội nghị đã được nghe nhiều báo cáo, tham luận quan trọng như: “Môi trường đầu tư vùng duyên hải miền Trung: Tiềm năng, lợi thế của vùng; thực trạng đầu tư và định hướng thu hút đầu tư” của TS Trần Du Lịch; “Tạo đột phá đầu tư trong quá trình phát triển các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; “Xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào vùng duyên hải miền Trung” của ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).
Đáng chú ý, theo đoàn doanh nhân vùng Kobe (Nhật Bản) do ông Sinya Ota, Tổng giám đốc Công ty GIFT, làm Trưởng đoàn, miền Trung, nhất là TP Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, rất thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó có 4 lĩnh vực được ưu tiên là công nghiệp tàu thủy, chế tạo ô tô và máy công cụ, đầu tư bất động sản, chuyển giao kỹ thuật trồng lúa với những công nghệ tiên tiến.
Một số doanh nghiệp cũng đề cập đến những cơ chế chính sách vùng để giúp các tỉnh miền Trung thu hút đầu tư (Tập đoàn Vinacapital, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam)...
Hiệu quả của liên kết vùng
Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, hệ thống cơ sở hạ tầng của vùng duyên hải miền Trung được phát triển nhanh chóng. Dọc duyên hải miền Trung đã hình thành hệ thống các đô thị lớn như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết. Hàng loạt các khu công nghiệp, khu kinh tế như: Chân Mây- Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong và Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã được hình thành. Các đô thị này có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, vị trí gần cảng biển và sân bay, có thể đáp ứng mọi nhu cầu của các nhà đầu tư.
Đáng nói hơn, sự liên kết vùng duyên hải miền Trung cho thấy hiệu quả khá cao: Năm 2012, GDP toàn vùng (theo giá so sánh năm 2012) là 87.270,2 tỷ đồng, chiếm 14,21% GDP cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP giảm từ 23,33% năm 2007 xuống còn 17,89% năm 2012, trong khi mức độ đóng góp của ngành công nghiệp- xây dựng tăng từ 36,64% lên 41,53% (theo giá thực tế). Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 5.137,1 triệu USD, chiếm 4,48% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 39,63% so với năm 2011. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2007- 2012 là 605.032,9 tỷ đồng, bình quân tăng 10,98%/năm. Năm 2012, toàn vùng đã thu hút được 709 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 25.252 triệu USD, chiếm khoảng 12,14% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước...
Thực tế cho thấy, từ khi lập ra được ban điều phối chung của vùng, dù chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn nhưng sự liên kết hợp tác phát triển vùng đã có bước tiến khá mạnh, nhất là việc hoạch định chính sách đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính địa phương. Đặc biệt, sự cải thiện môi trường đầu tư chung của vùng đã được quan tâm đáng kể, trong đó các địa phương đã chú ý đến việc khai thác những tiềm năng phát triển nằm trong mối liên kết chung của vùng hoặc các tỉnh cạnh nhau...
Nhiều kỳ vọng
Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung năm nay thực sự là diễn đàn trao đổi, nơi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung; tạo điều kiện, cơ hội giao lưu giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước... Đồng thời, thông qua hội nghị, một kế hoạch xúc tiến đầu tư mang tính thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương trong vùng sẽ được xúc tiến xây dựng.
Tuy nhiên, từng địa phương lại có những kỳ vọng riêng. Chẳng hạn, Quảng Ngãi đã tổ chức tọa đàm chuyên đề riêng với chủ đề “Quảng Ngãi- Cơ hội mới về phát triển công nghiệp”, đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược đến từ Hàn quốc, Nhật Bản, Singapore... Mục tiêu nhắm đến của Quảng Ngãi là kêu gọi đầu tư theo hướng phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ nhằm khai thác lợi thế phát triển của tỉnh, nhất là Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là Khu phức hợp công nghiệp- đô thị và dịch vụ VSIP. Đây là cơ hội tốt để Quảng Ngãi giới thiệu các cơ chế, chính sách ưu đãi, các nguồn lực tiềm năng, lợi thế; các dự án đầu tư trọng điểm cần kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Tỉnh Quảng Nam nhân cơ hội này đã lên những chương trình đón tiếp các nhà đầu tư rất trọng thị, trong đó có việc tiếp đón đoàn các nhà đầu tư Hàn Quốc vào thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Tỉnh Phú Yên đã tổ chức phiên đối thoại với các nhà đầu tư chiến lược với chuyên đề: Thu hút đầu tư vào một số dự án trọng điểm Khu kinh tế Nam Phú Yên, đồng thời giới thiệu tiềm năng, lợi thế, thực trạng thu hút đầu tư, lĩnh vực ưu tiên, danh mục dự án trọng điểm, hình thức đầu tư, nguồn vốn huy động và các chính sách ưu đãi của tỉnh.
Chủ nhà Đà Nẵng hướng sự quan tâm của các nhà đầu tư vào Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung của thành phố...
Nhiều chuyên gia tin rằng sau Hội nghị xúc tiến đầu tư này, các tỉnh duyên hải miền Trung sẽ có chuyển biến mạnh và khả năng sẽ được đón một làn sóng đầu tư mới đến từ các nước trong khu vực, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc...
Những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng của vùng duyên hải miền Trung được phát triển nhanh chóng. Dọc duyên hải miền Trung đã hình thành hệ thống các đô thị lớn như: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết. Hàng loạt các khu công nghiệp, khu kinh tế như: Chân Mây- Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong và Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã được hình thành. Các đô thị này có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, vị trí gần cảng biển và sân bay, có thể đáp ứng mọi nhu cầu của các nhà đầu tư.
Theo baothanhhoa