Những năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính (CCHC) gắn với nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường
đầu tư kinh doanh, bảo đảm thông thoáng, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Với những việc làm thiết thực, công tác CCHC của Sở KH&ĐT đã đóng góp một phần quan trọng vào lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua. Trong quý 1-2013, Sở KH&ĐT đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1.800 tỷ đồng; điều chỉnh vốn đăng ký thêm 2,8 tỷ USD cho Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn... Phòng “một cửa” của Sở KH&ĐT đã tiếp nhận xử lý 747 hồ sơ, đã giải quyết 664 hồ sơ, đang giải quyết 83 hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết đúng hẹn đạt 90,5%, đề nghị sửa đổi, bổ sung 7,7%, chỉ có 1,8% hồ sơ chậm do phải xin ý kiến tham gia của các ngành, địa phương...
Ông Lê Ngọc Nghinh, Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT, cho biết: Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng xử lý hồ sơ nhanh, gọn, chặt chẽ theo quy định. Để làm được điều đó, trước tiên, sở sẽ nâng cao nhận thức, tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức theo Kế hoạch hành động số 45/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/T.U ngày 27-6-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015. Làm tốt việc công bố, công khai, rộng rãi các quy hoạch, cơ chế, chính sách; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, giảm phiền hà trong giải quyết công việc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; tập trung nguồn vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, truyền tải, phân phối, cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông..., nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư. Đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mật bằng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm tạo quỹ đất sạch, ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng kết cấu quan trọng. Tập trung xây dựng phương án huy động tối đa các nguồn vốn từ khai thác quỹ đất, vốn đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân và các nguồn vốn ODA, FDI; khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo các hình thức BT, BOT, BTO, PPP... Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh của tỉnh Thanh Hóa đến cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đổi mới công tác vận động, xúc tiến đầu tư, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tập trung vào các quốc gia có tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc...; chuẩn bị kỹ một số dự án lớn để kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn ở trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Phát triển, mở rộng quan hệ với các tổ chức tín dụng lớn như: WB, ADB và các tổ chức phi chính phủ để tranh thủ sự giúp đỡ, tư vấn về tài chính và hợp tác đầu tư... Đây sẽ là những việc làm góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.
Nguồn: baothanhhoa