Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 20-4 hàng năm là “Ngày Thương hiệu Việt Nam”nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng
và khả năng cạnh tranh cao, tạo được uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Do vậy, xây dựng và phát huy giá trị “Thương hiệu Việt Nam” ngày một nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ Chính phủ, các địa phương, từng doanh nghiệp (DN) và mỗi cá nhân... Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta, nhiều đơn vị, DN vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này.
Sản phẩm hàng hóa được bảo hộ giúp tổ chức, cá nhân sử dụng xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, nâng cao uy tín của sản phẩm. Đây là cơ sở để ngăn chặn hành vi làm giả, nhái sản phẩm, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh. Tính ra, hiện đã có rất nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng bị nước ngoài “đánh cắp” nhưng chỉ có một số ít DN thành công trong việc đòi lại thương hiệu, có rất nhiều những thương hiệu Việt đã bị mất trắng.
Nhận thức được tầm quan trọng trên, thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách thiết thực nhằm khuyến khích, thúc đẩy các DN trong hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu, như: hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, phát triển thương hiệu cho DN... Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho DN về sở hữu trí tuệ nên số lượng nhãn hiệu của các DN tỉnh Thanh Hóa được Nhà nước bảo hộ ngày càng tăng. Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ, năm 2006, cả tỉnh mới chỉ có 33 nhãn hiệu, thì đến nay đã có tới 720 nhãn hiệu (logo và thương hiệu); 59 kiểu dáng công nghiệp (mẫu mã hàng hóa); 19 sáng chế/giải pháp hữu ích; 3 chỉ dẫn địa lý cho đặc sản được đăng ký với trên 300 DN đã thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động quảng bá, khuếch trương thương hiệu đã được các DN quan tâm đẩy mạnh. Nhiều thương hiệu của các DN trong tỉnh đã được người tiêu dùng công nhận là thương hiệu nổi tiếng, thương hiệu có uy tín.
Ngay sau khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa đã đầu tư trang thiết bị hiện đại với 3 xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế và phòng kiểm tra chất lượng, hệ thống kho đạt tiêu chuẩn, công ty đã dần khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường. Với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, ổn định về chất lượng, hiện công ty có trên 200 sản phẩm lưu hành trên thị trường toàn quốc. Các sản phẩm của công ty đã đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng khác trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm bởi chất lượng và giá thành sản phẩm.
Hay như Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, nhờ quyết tâm xây dựng một thương hiệu mạnh, công ty đã trở nên nổi tiếng hơn, được nhiều khách hàng biết đến và tạo được niềm tin đối với người sử dụng. Hiện công ty có gần 20 nhãn hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, cùng với quyết tâm của huyện Nga Sơn trong việc xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý “Nga Sơn” cho sản phẩm cói của huyện, ngày 18-11-2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nga Sơn” dùng cho sản phẩm cói của huyện Nga Sơn – Thanh Hóa. Việc xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý Nga Sơn đánh dấu một bước quan trọng trong phát triển sản xuất hàng hóa đối với sản phẩm chiếu cói. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu Nga Sơn đối với hàng chiếu cói, các sản phẩm từ cói và kể cả cói nguyên liệu trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Cũng như sản phẩm cói huyện Nga Sơn, tin vui đối với làng nghề sản xuất nước mắm Ba Làng là ngày 23-3-2012, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Danh mục các dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để tuyển chọn thực hiện trong 2 năm 2013-2014, trong đó có sản phẩm nước mắm Ba Làng, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức tuyển chọn thực hiện dự án quản lý xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể đối với nước mắm “Ba Làng – Hải Thanh”... Đây là cơ hội để nước mắm Ba Làng, từ một đặc sản dân gian nổi tiếng phát triển thành một thương hiệu mạnh trên thị trường trong thời gian tới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều DN tạo được chỗ đứng của mình nhờ vào việc xây dựng thương hiệu bằng cách tập trung xây dựng nhãn mác cho sản phẩm và tổ chức các hoạt động phù hợp, nâng cao trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều DN chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nên sản phẩm dễ bị làm nhái, làm giả hoặc bị các DN khác ăn cắp thương hiệu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và sự phát triển của DN. Theo ông Nguyễn Ngọc Túy, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nguyên nhân là do một số chủ sở hữu nhãn hiệu chưa quan tâm đến việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh; chưa có kinh nghiệm làm công tác phát triển thị trường bài bản, chuyên nghiệp. Cách quảng bá sản phẩm vẫn chủ yếu tập trung trong tỉnh, chưa tiếp cận các thị trường lớn. Mặt khác, việc quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể chưa chặt chẽ bởi các hội viên không có gì ràng buộc nhau. Sự lỏng lẻo này khiến một số hội viên không tuân thủ quy chế, không có ý thức gìn giữ thương hiệu chung. Bên cạnh đó, người sử dụng nhãn hiệu chưa quan tâm khuyến khích thành viên khác tham gia.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm không chỉ dừng ở việc đăng ký giấy chứng nhận nhãn hiệu mà quan trọng hơn là phải khai thác, sử dụng cho hiệu quả. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi chủ sở hữu nhãn hiệu phải kiên trì thực hiện mới có kết quả. Để làm được điều này, các DN có sản phẩm được xây dựng thương hiệu nên quan tâm tuyên truyền, có kế hoạch, chiến lược cụ thể về xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường công tác giám sát quy trình sản xuất, bảo đảm sản phẩm; quản lý chặt chẽ các đơn vị khai thác nhãn hiệu, tránh tình trạng DN, cá nhân mượn “danh” nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ để tiêu thụ, kinh doanh các mặt hàng cùng loại không bảo đảm chất lượng, quy chuẩn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền các huyện, thành phố cần nỗ lực hơn trong việc xây dựng, quản lý thương hiệu, tạo thuận lợi cho những tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được khai thác các nhãn hiệu hàng hóa, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm